Trong vài năm trở lại đây, nữ quyền đã trở thành cụm từ hot ở khắp nơi, mỗi phụ nữ đều nhen nhóm ý tưởng về nữ quyền nhưng thế nào là một định nghĩa về nữ quyền chính xác, thế nào là một tư tưởng nữ quyền độc hại?
Theo các nhà nghiên cứu khoa học, chủ nghĩa nữ quyền (feminism) có khởi nguồn từ Mary Wollstonecraft (1759-1797) là nữ nhà văn, nhà triết học Anh và sau đó là François Marie Charles Fourier (1772 – 1837), nhà chủ nghĩa xã hội khoa học không tưởng người Pháp.
Tính đến thời điểm hiện tại, khi hai thế kỷ đã trôi qua, chủ nghĩa nữ quyền đang ở làn sóng thứ tư, sau ba làn sóng trước đó để vận động cho quyền lợi của phụ nữ và giải phóng phụ nữ, cũng như điều chỉnh những quan điểm sai lầm về chủ nghĩa nữ quyền. Trong lịch sử nữ quyền thế giới đồng thời đã ghi nhận nhiều tên tuổi của các nhà nữ quyền như Amelia Bloomer, Alice Paul, Lucy Stone, Virginia Woolf, Simone de Beauvoir, Betty Friedan, Maya Angelou…
Tại Việt Nam hiện nay, đa số mọi người khi đề cập đến nữ quyền đều nhầm lẫn là các chuỗi hành vị nhằm đòi sự bình đẳng giữa nam và nữ trên mọi phương diện, khuyến khích phụ nữ làm những công việc y như đàn ông. Kỳ thực đó là những nhầm tưởng đã xuất phát từ phong trào đấu tranh nữ quyền từ thời kỳ đầu khi mà đa số phụ nữ trên thế giới chưa có quyền tự do đi bầu cử như nam giới, chưa được phép đi làm, đi học, lái xe hay đi một mình ngoài đường… Cũng từ đó, dẫn đến nhiều sự sai lệch trong cách hiểu nữ quyền và bình đẳng giới cho đến tận ngày nay. Thậm chí, từ cách hiểu sai ấy, dẫn đến việc nhiều người phản đối nữ quyền vì cho rằng phong trào nữ quyền đã trực tiếp khuyến khích phụ nữ sống như đàn ông, không cần lấy chồng, dễ dàng chia tay chồng, không xem trọng việc bếp núc, tệ hơn là cư xử cọc cằn, ăn to nói lớn như đàn ông…
Từ đó, tư tưởng nữ quyền độc hại bắt đầu xuất hiện và ảnh hưởng tới rất nhiều tư duy của các phụ nữ hiện đại. Rằng đàn ông làm gì phụ nữ đều cần phải làm được như thế để chứng tỏ được sức mạnh nội tại của bản thân. Đôi lúc vì thế mà những người phụ nữ gồng mình lên để cố làm những điều vượt quá khả năng, từ chối những đặc quyền, chức năng trời ban của mình ví dụ như làm vợ, làm mẹ, làm 1 người con gái… Hay còn gọi là phụ nữ cố trở nên "đàn ông hơn".
Lại có một quan điểm nữ quyền hoàn toàn ngược lại. Một nghệ sỹ nổi tiếng là MC Trác Thúy Miêu từng đưa ra tư tưởng về một “Nữ quyền lộng lẫy” như sau: "Mỗi người đàn bà là một nghệ sĩ… Phải trưng trổ, phải sửa soạn, phải duyên dáng, luyện đứng luyện nằm, luyện cả nữ công gia chánh, phong thái xã hội, một nét son cũng nghiêm cẩn như một lớp hoá trang sân khấu. Thảm cảnh của nghệ sĩ chính là… không có khán giả. Khán giả của đàn bà chính là đàn ông!". Qua châm ngôn này của cô Miêu, chúng ta có thể thấy cô luôn nói về nữ quyền, cần phải làm thế này thế nọ nhưng lại không phải cho mình mà là vì đàn ông. Vậy thì nữ quyền ở đâu khi phụ nữ vẫn sống vì đàn ông, trở thành con rối của đàn ông?
Trào lưu nữ quyền không chỉ khuyến khích nữ quyền làm đẹp, cống hiến cho các công tác xã hội nhưng hãy làm những điều tốt đẹp đó vì chính phụ nữ chứ không phải trông đợi sự hài lòng từ một phái khác. Phụ nữ không chỉ cần làm đẹp mà nếu muốn xấu, bạn cũng có quyền đó. Kể cả việc kém hiểu biết, kém trong ứng xử... cũng vậy, chẳng thể đòi hỏi phụ nữ phải luôn giỏi giang, hoàn hảo, đẹp nết... vì còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện và hoàn cảnh riêng của mỗi người.
Có nhiều người quan niệm, nữ quyền là một hình thức chống lại đàn ông. Trên thực tế, lịch sử đã chứng minh rất nhiều người đàn ông chủ động đứng lên vì quyền lợi của phái nữ. Đàn ông cũng có những góc khuất yếu mềm. Đàn ông cũng có thể là đối tượng, nạn nhân của lạm dụng và bạo lực. Những nhà nữ quyền thường là những người bài trừ các hình thức quấy rối tình dục đối với nạn nhân nữ nhưng lại hồn nhiên trêu đùa khiếm nhã những người đàn ông mà họ thấy hấp dẫn. Những người có tư tưởng nữ quyền độc hại cho rằng mọi tội ác đều nằm ở đàn ông vì vậy phụ nữ xứng đáng được đối xử ưu tiên hơn. Đây thực chất là hình thức phân biệt giới tính giả danh nữ quyền.
Nữ quyền là một phần của nhân quyền, là một hình thức tìm kiếm sự bình đẳng thực tiễn. Thay bị đi theo những trào lưu cực đoan hóa tư duy phụ nữ hãy đi vào thực chất, coi nữ quyền là một loại quyền con người. Nữ quyền đơn thuần là làm những gì phụ nữ cần, phụ nữ muốn mà không vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức hay hệ thống luật pháp chung. Không cưỡng cầu cũng chẳng vì ai. Không từ chối những quyền lực hay vai trò, nhiệm vụ mà tạo hóa ban cho. Thay vào đó làm tốt vai trò của mình và nỗ lực từng ngày để có một cuộc sống như mình mong ước. Đó mới chính là nữ quyền đích thực.
MEI MEI
Comments