Trong lúc tôi làm tin tức tuần cho 1 đơn vị, bỗng đọc được 1 tin khiến tôi không biết nên tức hay nên buồn cho hệ thống giáo dục của 1 đất nước nữa.
"Khôi phục môn nữ công gia chánh" cho khối Trung học Phổ thông quả là một kiến nghị đáng giá, thế nhưng tại sao lại chỉ dạy cho nữ giới. Ở đây, các nhà chức trách giải thích thêm rằng để "Mục tiêu là sau khi rời trường phổ thông, học sinh biết chế biến một số món ăn cơ bản của Huế, đảm nhận được bữa ăn gia đình. Cũng qua môn nữ công gia chánh, học sinh được dạy về kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế".
Vậy tại sao chỉ nữ giới có khả năng đảm nhận bữa ăn gia đình? Chỉ nữ giới được hiểu về văn hoá, truyền thông lịch sử của dân tộc, cũng chỉ nữ giới là giới tính duy nhất được gìn giữ nét đẹp văn hoá ẩm thực Huế?
Phụ nữ đã mất hàng trăm năm để chứng tỏ được vai trò của mình trong xã hội, được công nhận trước đông đảo thế giới. Ngay ở Việt Nam, chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều các vị anh hùng là nữ giới như Bà Trưng, Bà Triệu, những nhà thơ nổi tiếng như Bà Huyện Thanh Quan, nữ sỹ Hồ Xuân Hương, nhà nước cũng nỗ lực để tạo ra sự bình đẳng trong bộ máy chính trị khi bổ nhiệm các nữ cường nhân như: Bà Trương Thị Mai, Bà Tòng Thị Phóng, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân....
Ấy vậy là, ở giữa thế kỷ 21, những nhà lãnh đạo ngành giáo dục lại "mạnh dạn" đưa ra 1 kiến nghị đập tan mọi sự cố gắng bình quyền bao lâu nay. Đến đây tôi có 2 quan điểm chủ quan như thế này:
- Có lẽ chính cách giáo dục từ nhỏ này đã khiến nhiều thanh niên Việt Nam không thể thoát khỏi lối mòn suy nghĩ có phần cũ kỹ. Hình thành cả một bộ phận bảo thủ, chậm tiến và kém phát triển.
- Văn hoá, giá trị truyền thống là những điều cần được lưu giữ, thế nhưng đối với những giá trị đã lỗi thời, không phù hợp với sự vận động chung của xã hội thì nên chăng cần thay đổi hoặc xoá bỏ?
Ai cũng cần được ăn, được uống, được hiểu về văn hoá quê hương. Bởi mỗi chúng ta khi bước ra thế giới cũng đều là một Việt Nam. Chúng ta cần lan toả văn hoá, chia sẻ những nét đẹp của quê hương đến mỗi người bạn quốc tế, để thế giới hiểu, yêu đất nước xinh đẹp này. Để khi nhắc về Việt Nam, thế giới không chỉ nghĩ đến chiến tranh, chiến thắng Điện Biên Phủ mà còn là nền ẩm thực đa dạng, tà áo dài thướt tha, những đô thị muôn màu...
Chưa kể, tỷ lệ nam nữ tại Việt Nam đã bắt đầu có sự chênh lệch. Hằng năm, số nam giới ế vợ ngày càng tăng, không có ai “đảm nhận bữa cơm gia đình” phải chăng họ sẽ chết đói hay sẽ ăn cơm hàng, cháo chợ đến cuối đời?
Nhiệm vụ của giáo dục, đặc biệt của giáo dục phổ thông là để trang bị vốn kiến thức, kĩ năng cho học sinh trong tương lai, giúp các bạn trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Vậy thì, không ai nên bị tước đi cơ hội được giáo dục ấy, nhất là những kỹ năng cần thiết như nấu ăn, may vá, ứng xử… Ở trong quyết định dạy học thí điểm dưới đây, chưa bàn về việc nó xuất phát từ những quan niệm truyền thống lên phái nữ, hãy nhìn nó dưới góc độ của các bạn nam, khi chính các bạn ở đây là người bị phân biệt, mất đi cơ hội được giáo dục.
Không chỉ nữ giới muốn bình đẳng mà chính nam giới cũng cần bình quyền.
!!!
Comments