Tất cả chúng ta đều từng là trẻ con. Phải chăng chúng ta đều có những suy nghĩ giống Seol?
Seol là một cô bé bị bỏ rơi. Cô được viện trưởng cô nhi viện tìm thấy trong một thùng rác cách nơi bà làm việc không xa vào buổi sáng đầu tiên của năm mới. Cô lớn lên trong sự quan tâm và tình yêu thương của viện trưởng, của người dì đã chăm sóc cô. 3 lần được nhận nuôi rồi lại bị gửi trả về đã để lại vết thương lòng vô cùng lớn với cô bé. Mỗi lần như thế cô lại mắc chứng câm tạm thời, chính chứng bệnh ấy đã bảo vệ cô gái nhỏ khỏi những ánh mắt dò xét, những câu hỏi khó lòng trả lời. Khi học lớp 6 (năm học cuối của Tiểu học tại Hàn Quốc), cô gái chuyển đến 1 ngôi trường tư thục nổi tiếng và từ đó cô đã thay đổi rất nhiều. Cô bé bắt đầu trang điểm rất đậm và ăn nói hỗn hào hơn. Thực sự, khi tôi bắt đầu đọc đến đây, tôi đã muốn dừng lại và thầm nghĩ rằng mình sẽ chẳng review cái quyển khỉ gió này nữa. Nhưng.... tất cả chúng ta đều từng là trẻ con, chúng ta đều từng có những thói quen kỳ lạ khiến người lớn trách phạt, hồi ấy, chúng ta đều có lý do cho mỗi hành động, mỗi lời nói. Thế nhưng chúng ta không có quyền được lên tiếng, giải thích và cũng chẳng ai muốn nghe chúng ta nói. Vậy tại sao chúng ta không mở lòng ra và cố gắng để lắng nghe một cô gái đáng thương là Seol nói tiếng lòng mình? Vậy là tôi quyết định đọc tiếp.
Seol trang điểm. Việc mà trước đây cô bé chưa từng làm. Để có tiền mua đồ trang điểm đắt đỏ, cô bé thi mọi cuộc thi có giải thưởng. Cô bé mà thậm chí còn không có tiền đi xe bus về mà cuốc bộ hàng giờ sau khi tan học lại bỏ hàng tá tiền cho vài thỏi son, phấn má ư? Đối với Seol, đó là lớp mặt nạ nguỵ trang, để Seol đơn thuần cảm thấy an toàn giữa môi trường toàn những đứa trẻ giàu có, người lớn thì đòi hỏi quá nhiều ở trẻ con. Cô bé cố gắng trở nên thật lạnh lùng với đôi mắt xếch, những loạn tóc loăn quăn - một cách để cố hoà tan mình trong dòng chảy để không ai thấy mình.
Seol đi học thêm. Seol rất thông minh, cô bé luôn tự hào rằng mình không cần phải đi học thêm cũng có thể học tốt, thậm chí là vượt trội. Thế nhưng sau khi mẹ Shi Huyn nói rằng mong Seol học tốt để ảnh hưởng tích cực để con trai của mình, Seol liền lo lắng, vậy phải chẳng nếu mình không có tác động tốt đến Shi Huyn thì bố mẹ cậu sẽ không nuôi Seol nữa? Nếu Seol không thể đáp lại kỳ vọng trở thành một đứa trẻ giỏi giang thì bé con sẽ bị đuổi đi? Vậy là để nhận được tình yêu thương của bố mẹ Shi Huyn, Seol đi học thêm liên tục, cô bé không còn thời gian cho bản thân, cũng không có nổi thời gian làm bài tập. Được yêu thương nhưng kèm điều kiện, liệu Seol có hạnh phúc không?
Seol hỗn láo. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều là một dòng nước nhỏ, nó phải chiếu lại chính xác những gì người lớn đã gieo xuống dòng nước đó. Seol cũng thế, khi người lớn nói dối, Seol cũng nói dối, khi người lớn làm cô bé tổn thương bằng những lời nói vô tình, Seol bỗng cứng người lại, bật ra những câu nói gai góc để chứng minh mình mạnh mẽ. Tất cả những tổn thương cô bé phải chịu đựng từ khi lọt lòng đã tạo nên một Seol ngang ngạnh và cứng đầu như thế. Vậy Seol có đáng được thông cảm không?
Câu chuyện nói lên một thực trạng rất đáng lên án hiện nay của xã hội. Nạn phá thai, nạn bỏ rơi trẻ. Hãy nhớ rằng, chúng ta - bậc làm cha mẹ có quyền chọn lựa con cái nhưng những đứa trẻ vô tội lại chẳng có quyền quyết định bố mẹ chúng là ai. Vì vậy, hãy hình thành thói quen sống có trách nhiệm, đặc biệt là những sinh linh do chính mình tạo ra. Nếu sinh ra rồi thì hãy nỗ lực tạo dựng nên một thế giới tươi đẹp của em bé của mình. Còn nếu không làm được thì hãy nghĩ đến hậu quả trước khi hành động.
Người lớn à, người lớn bảo những em bé của mình làm điều này, làm điều khi bởi người lớn nghĩ rằng đó là những điều cần thiết, những điều tốt cho con của mình nhưng lại chẳng bao giờ xem xét xem đâu là điều con của mình thật sự mong mỏi. Giống như Shin Huyn và Seol vậy đó. Shin Huyn muốn nhảy và cậu bé làm điều đó rất tốt, thế nhưng bố mẹ Seol nghĩ rằng nghề bác sỹ mới thật cao quý, vì cậu được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt đến thế nên cậu cần phải trở thành bác sỹ. Chẳng ai lại bắt một con cá trèo cây cả, thế nhưng bố mẹ lại luôn áp đặt con cái phải làm điều mà người lớn muốn. Giống như Seol tại sao phải đi học để vào lớp nhân tài? Vì đó sẽ làm những người nuôi dưỡng cô tự hào hay vì Seol thật sự muốn thế? Bố mẹ nghĩ rằng họ cho bọn trẻ quyền được sinh ra trên thế giới này thì họ có quyền quyết định cuộc đời của họ. Phải chăng vì chính họ, khi là một đứa trẻ cũng đã từng bị áp đặt như thế? Vậy họ có hạnh phúc và bọn trẻ sẽ hạnh phúc chứ?
Bác sỹ Kwan hứa con trai của mình mà học giỏi thì sẽ được nuôi thú cưng. Đến tên của chú chó cũng được đặt theo tên của bài toán cuối cùng tròng đề thi như để nhắc nhở cậu chàng hãy nhớ lấy điều kiện này. Cũng dễ hiểu khi cậu không làm được như bố mẹ kỳ vọng, chú chó tên Vector bỗng biến mất. Điều này gây lên một cú Seol lớn với Seol bởi hoá ra người lớn bỏ rơi những sinh linh bé nhỏ thật đơn giản đấy, giống như cách mẹ bỏ rơi Seol vậy. Vậy sắp tới, bác sỹ cũng sẽ bỏ rơi Seol phải không?
Bác sỹ cũng nói với Seol rằng: "Trẻ con thì phải cười thật nhiều, chạy nhảy thật nhiều với bạn bè, phải được làm những điều mình thích, như thế mới lớn lên được". Ông luôn nói thế với mọi đứa trẻ đến phòng khám của mình nhưng không lại không cho phép được con trai duy nhất của mình được làm như thế. Điều này đã khiến Seol đau đớn, hình tượng về một người cha tuyệt vời trong Seol vỡ vụn. Seol dùng tay cào lên cổ bác sỹ, cắn thật mạnh vào bắp tay của bác sỹ như xé toạc lớp mặt nạ giả tạo mà mỗi người lớn đang đeo lên mặt để thể hiện bản thân mình tốt đẹp. Người lớn hình như chỉ toàn nói dối thôi.
Người lớn chỉ toàn nói dối thôi. Cuộc đời của Seol cũng là một chuỗi câu chuyện dối giá. Dối trá từ lần đầu tiên cô xuất hiện, tất cả đều do người lớn dàn dựa để câu chuyện trở nên sốt dẻo, để cô nhi viện nhận được thêm nhiều tiền tài trợ. Chẳng ai nhận cô bé đến năm 2 tuổi là để cô nhi viện tiếp tục nhận được số tiền tài trợ đó. Hoá ra cô được viện trưởng yêu thương, quan tâm là có lý do. Chú chó Ako mà cô bé nhặt được cũng đã chết khi đi tìm cô bé chứ không phải được trở về 1 vùng quê để "thoả sức chạy nhảy" như lời dì nuôi nói. Người lớn tự cho mình cái quyền nói dối những đứa trẻ. Là bởi vì trẻ con dễ bị gạt, hay vì đó là những lời nói vô hại có thể làm yên lòng những đứa trẻ?
Chúng ta thường nghĩ những lời nói vô hại thì có thể được nói ra thoải mái và có ích. Thế nhưng hiển hiện là không. Những lời nói dối ta tưởng là vô hại chỉ có thể xoa dịu, làm tình hình trở nên thoải mái ở thời điểm đó thôi, còn người nghe vẫn sẽ canh cánh về nó như cách Seol bắt xe đi tìm Ako. Và khi những đứa trẻ biết sự thật, chúng vỡ vụn còn đáng sợ hơn biết sự thật ngay từ đầu. Không những thế còn tạo những thói quen xấu để chúng tại tiếp tục nói dối khi lớn lên và lặp lại một vòng tròn luẩn quẩn. Đừng nghĩ trẻ con chỉ là trẻ con, hãy cân nhắc mọi lời nói.
Đến cuối cùng, Seol không chọn học ở trường nhân tài, Seol cũng không chọn căn chung cư cao cấp ở tầng 48 với sông và rừng bao quanh mà trở về Chung cư thu nhập thấp mang tên Hạnh Phúc bởi ở đây Seol được yêu thương bởi dì nuôi, được tin tưởng và được là chính mình. Ở đây Seol hạnh phúc.
Câu chuyện nhẹ nhàng như một cơn gió chiều thu, nó khiến lòng ta buồn man mát, có thể nó chẳng đọng lại điều gì trong tâm trí ta, cũng có thể nó khiến ta đồng cảm, ta đâu nhưng hãy nhớ là mỗi chúng ta đều từng là những đứa trẻ vì thế hãy yêu trẻ theo cách hồn nhiên, hãy cho trẻ một cuộc sống chúng ta mơ để rồi trẻ sẽ trở thành những người lớn tuyệt diệu nhé.
MEI MEI
Comments