top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMEI MEI

[REVIEW] CUỐN SÁCH BẠN ƯỚC CHA MẸ MÌNH TỪNG ĐỌC (Và con bạn sẽ vui nếu bạn đọc nói)

Khi bắt gặp cuốn sách này trên kệ hàng ở Đinh Lễ, mình đã tự hỏi cái tiêu đề này có quá khoa trương không? Vậy là sau 5 lần 7 lượt lượn qua, mình cũng quyết định nhấc nó lên đi thẳng ra quầy tính tiền với suy nghĩ: “Để xem nội dung thế nào mà tự tin thế”.


Thú thực mình đã bất ngờ với những điều mà từng trang sách đã gợi mở: hành trình khi chúng ta trở thành bố mẹ đã bắt đầu hiện hình từ khi chúng ta là những đứa trẻ. Nếu hồi nhỏ, bạn từng bị tổn thương bởi những lời nói nặng nề của bố mẹ, chúng ta thầm nghĩ lớn lên ta sẽ khác thì xin chia buồn với bạn, đến 80% bạn sẽ đối xử với con mình chẳng khác tý nào đâu. Đó là bởi ta bị ảnh hưởng bởi bố mẹ, đó cũng là cách ta che dấu đi tổn thương của mình một cách bản năng. Ẩn sâu bên trong mỗi ông bố bà mẹ đều là một đứa trẻ, đứa trẻ ấy nghĩ nếu mình làm vậy hồi nhỏ sẽ bị bố mẹ mình mắng, thế nếu con mình làm thế tại sao nó không bị chừng phạt như mình? Vậy là những hành vi “không chuẩn” cứ liên tiếp lặp lại như một vòng tuần hoàn. Có đôi khi, chính chúng ta lại ghen tị với con cái. Ví dụ như: tại sao con lại có đặc quyền làm điều A mà hồi nhỏ mình không có? Vậy là đứa trẻ sâu bên trong chúng ta đang tự ôm lấy mình, tự thương lấy mình từ đó phát tiết thành những lời nói, cử chỉ khiến con cái của mình tổn thương. Thật đáng ngạc nhiên, đó là cách chính người lớn đang tự vỗ về, bảo vệ bản thân trước những lỗ hổng tổn thương ăn sâu từ tấm bé.

Sushi rất vui khi mẹ đọc cuốn sách này?!?

Hãy nhớ rằng con cái làm theo hành động của cha mẹ chứ ko phải lời nói. Lưu tâm đến hành vi của bản thân. Đó là những thứ bạn vô thức học được từ cha mẹ và cũng có thể vô thức truyền lại cho con trong giao tiếp. Hành vi của ta ảnh hưởng đến hành vi của con cái vì vậy, ngoài việc chú ý cư xử đúng mực hãy dạy con diễn giải hành vi để con thấy được đồng cảm hoặc thay thế hành vi đó bằng những hành vi, câu nói phù hợp. Bạn nói: “Minh! con không được xem điện thoại khi đang ăn cơm” nhưng bạn lại vừa nhai nhồm nhoàm vừa cười khà khà với mấy clip hài trên mạng thì chẳng mấy bạn cũng sẽ thấy đứa con cưng vừa ăn vừa vỗ đùi cười khanh khách.


Chìa khoá cho bất cứ một mối quan hệ nào là hãy đáp lại và quan tâm. Mối quan hệ bố mẹ - con cái thì lại càng cần bạn đầu tư thời gian, tâm sức nhiều hơn. Khi con nhận được sự cảm thông, chia sẻ thì tình cảm sẽ dần dần sẽ kết nối. Bố mẹ cần học cách chấp nhận cảm xúc của con dù nó tốt hay xấu. Tự mình mô tả lại cảm xúc đó để con học theo. Lâu ngày con sẽ biết chia sẻ và làm chủ cảm xúc của mình. Ví dụ Khi bạn bầu em bé thứ hai, đứa con đầu khóc lóc và nói: “Con ghét em bé”, thay vì ép buộc rằng: “Con là anh con phải yêu em, nhường em, bảo vệ em”. Hãy thử mô tả cảm xúc của con: “Mẹ biết khi có thêm em bé, con sẽ phải chia sẻ tình cảm của mẹ cho em, mẹ sẽ không có nhiều thời gian với con, vì thế dễ hiểu khi con không thích em”. Sau đó nhẹ nhàng từ từ nói chuyện để con bạn cảm giác được chia sẻ, thấu hiểu và nhận được tình yêu thương. Kết quả sẽ đáng trông chờ lắm đấy!

Giữ kết nối bằng giao tiếp luôn giúp mối quan hệ khăng khít hơn. Rất nhiều bậc cha mẹ mất dần kết nối với đứa con cưng của mình khi con lớn dần bởi dần mất đi sự chia sẻ. Vì vậy hãy tập thói quan lắng nghe con và chia sẻ ngược lại với con cái những gì chúng ta đã trải qua và những điều mình cảm nhận được.


Thay vì cấm đoán hãy vạch ra ranh giới con có thể thực hiện hoặc không. Tấm ranh giới này được thiết lập từ phía bạn với 2 lớp riêng biệt. Lớp bên ngoài là ranh giới một, lớp bên trong chính là giới hạn cùng cực mà bản thân có thể chịu đựng được mà nếu con vượt qua nó, bạn sẽ phát khùng. Khi đặt ranh giới cho con hãy nghiêm túc, ko mủi lòng nhưng phải bình tĩnh. Hãy nhớ làm những gì bạn nói rằng bạn sẽ làm. Ví dụ: "Con hãy ăn cơm xong lúc 6h30 là nhớ 7h00 đứng lên đi học, nếu không con sẽ bị phạt không được xem tivi vào ngày mai". Đưa ra nguyên tắc và tuân thủ nó.

“Tennis lập luận” là việc bạn và con liên tục tranh luận qua lại với thái độ bực tức mà chẳng giải quyết được vấn đề. Để tránh xảy ra tình huống này hãy thành thật với con về mong muốn của bạn. Ví dụ, thay vì nói với con là: 11h30 mình đi về vì con phải ăn trưa tử tế. Con có thể trả lời lại rằng con không đói, không cần ăn. Rồi bạn lại nổi khùng lên. Kết cục con vừa về vừa khóc, bạn thì chân đi, đầu xì khói. Hãy nói với con sự thật: 11h30' về ăn trưa nhé, vì mẹ cần được ăn trưa tử tế. Đó cũng là cách bạn dạy con về sự trung thực hiệu quả.


Trên đây một trong số những điểm, bản thân mình vô cùng tâm đắc khi đọc cuốn sách này. Nhưng để hiểu rõ hơn hãy thử đọc nó nhé. Chắc chắn, bạn sẽ rút ra thêm được hàng tá bài học để áp dụng trong quá trình làm cha mẹ của mình đấy. Và đúng là nếu bố mẹ mình đọc cuốn sách này và áp dụng, hẳn mình đã rất hạnh phúc, nhưng điều gì qua rồi thì cho qua. Mình tin rằng, con mình thực sự sẽ vui vì mình đã chọn đọc cuốn sách này. Bởi không bao giờ là quá muộn để trở nên tốt đẹp hơn.






25 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page