Nổi tiếng là một tác giả chuyên trị dòng văn trào phúng, Vũ Trọng Phụng đã lội tả rõ nét chân dung về một xã hội thối nát núp bóng của 2 chữ "cách tân", nơi mà một tang gia lại hàm chứa hạnh phúc, nơi mà những người đàn ông mọc sừng lại trở thành mốt tân thời.
Vũ Trọng Phụng viết xong Làm đĩ năm 1936, xuất bản năm 1937 - năm đầu của Mặt trận dân chủ Đông Dương, không khí đấu tranh dân chủ sôi nổi. Chế độ kiểm duyệt sách báo khắt khe của chính quyền thực dân tạm thời được bãi bỏ. Bối cảnh ấy đã tạo điều kiện cho các nhà văn công khai, mạnh mẽ vạch trần thực chất thối nát, giả dối, bịp bợm của phong trào Âu hóa, thể thao… được bọn thống trị khuyến khích và lợi dụng đã từng lên cơn sốt vào những năm 30 của thế kỷ XX.
"Làm Đĩ" nhan đề tác phẩm vẫn gây shock cho đến tận bây giờ.
Khi mới ra đời, tác phẩm gây tranh cãi. Người cho rằng Làm đĩ là tiểu thuyết dâm ô, có hại cho việc giáo huấn đạo đức thanh thiếu niên. Ở phía ngược lại, các ý kiến cho rằng cuốn sách mang giá trị nhân bản, nên lên thực trạng của xã hội. Từ đó, người đọc rút ra được bài học cho mình và tránh được con đường lầm lỡ. Cuốn tiểu thuyết kể về hành trình đi đến sự hư hỏng của một cô tiểu thư nhà quyền quý. Một người con gái mà dường như có tất cả: có nhà, có tiền lại được chồng cưng chiều hết mực. Ấy thế mà không tránh được những cám dỗ mang tên: "Tân thời". Nhưng lý nào dẫn đến cái sự hư hỏng ấy?
Hình ảnh các cụ "đập đá" thời xưa
Đầu tiên phải kể đến sai lầm lớn của giáo dục mà thật đáng tiếc sai lầm ấy vẫn đang lặp lại cho đến tận ngày hôm này. Đó là câu chuyện giáo dục giới tính. Trẻ không được giáo dục giới tính cẩn thận, bởi người lớn cho rằng đó không phải là câu chuyện hợp chuẩn dành cho trẻ con. Thế nhưng người lớn lại quên đi rằng đặc tính vốn có mà đặc biệt của trẻ nhỏ chính là sự tò mò. Kèm với sự phát triển, thay đổi hormone trong cơ thể nên trẻ sẽ tìm mọi cách để hiểu để biết những câu chuyện mà người lớn không cho phép từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy sai lầm ví như việc lỡ miệng trong tiệc với một người phụ nữ hay trầm trọng hơn là học về giới tính với cậu bạn hàng xóm. Vẽ đường con hươu chạy bao giờ cũng tốt hơn là để chú hươu con một mình lủi thủi mò mẫm đi trong sợ hãi.
Tuy không dạy và luôn né tránh chủ đề tình dục, thế nhưng người lớn lại vô tình làm những trò “hủ lậu” để cho trẻ nghe thấy, nhìn thấy. Từ đó lại càng kích thích sự tò mò, mong muốn khám phá ở trẻ. Ngoài ra, việc người lớn làm được, trẻ con lại bị cấm cản mà không được giải thích chỉ dẫn đến sự không phục từ đó trở nên xa cách với cha mẹ, lại càng thêm khó dạy bảo hơn. Không những vậy, ở một gia đình không hạnh phúc, người chồng có bồ, người vợ cờ bạc bỏ bê con cái thì tỷ lệ sản sinh ra những đứa trẻ hư rõ ràng là rất cao. Điều này, ta có thể thấy rõ nét ở gia đình Huyền, bố có bồ nhí, mẹ thì ly hôn rồi về quê, bỏ mặc 2 anh em sống trên thành phố, cậu anh thì chơi với đám bạn hư đi chơi tối ngày. Còn mình Huyền ở với người anh họ nên lâu lâu dẫn đến câu chuyện không nên xảy ra.
Điều thứ ba, chúng ta cần tranh luận lại đây chính là về việc giữ mình của một người con gái. Nếu xét ở thời đó, đây là một việc vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng không những đến danh dự của cô gái mà còn là thanh danh của cả gia đình. Thế nhưng cô dễ dàng đi quá giới hạn với một người đàn ông (tuy cô yêu thầm anh từ lâu). Vậy này có nên không? Không, câu trả lời luôn là không. Ở thời nay, việc ăn cơm trước kẻng không còn quá nặng nề nữa, tuy nhiên khi yêu mà đặt tim lên đầu thì người thiệt thòi mãi sẽ là con gái thôi. Hãy trao đi điều đáng giá cho người xứng đáng nhé.
Quay trở lại với câu chuyện của Huyền, vì có bệnh trong người nên chồng Huyền không gần gũi cô nhờ đó, bí mật của nàng không bị bại lộ. Nàng luôn được chồng cung phụng yêu thương, sống cuộc sống như bà hoàng. Ông bà ta có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”, cả ngày chỉ dành thời gian để chơi, hưởng thụ đã khiến Huyền sinh tật, bỗng thích của lạ. Ngoài ra, chính lòng tham lam, không hài lòng với những gì mình có đã đẩy nhân vật chính đi vào bước đường cùng. Huyền thường xuyên so sánh chồng mình với người để khẳng định rằng chàng trai ngoài kia mới là người xứng với mình.
Ở thời đó, nề nếp gia phong được cho là hủ tục còn dâm ô lại được coi là tân tiến
Cuối cùng, thứ gián tiếp gây nên tấn bị kịch của đời người phụ nữ trong chuyện đến từ hoàn cảnh xã hội. Đau đớn thay 2 tiếng tân thời, khi mà phụ nữ phải biết chơi mới là hợp thời, khi mà nề nếp gia phong được cho là hủ tục còn dâm ô lại được coi là tân tiến. Rõ ràng, nhân vật chính trong câu chuyện ban đầu là một cô gái xinh đẹp, nết na. Cô tự định rằng mình cần xinh đẹp, thục nữ rồi lấy một tấm chồng là haofn thành nghĩa vụ. Thế nhưng cô lại bị cuốn vào cuộc đời sa đọa, ăn chơi bởi chồng cô, những người đàn ông trong xã hội đã đẩy cô đến đó. Cả xã hội đều trụy lạc nếu cô không trụy lạc thì cô không hợp thời. Cũng giống như khi cả xã hội không mặc đồ thì người duy nhất mặc quần áo chính là người dị biệt.
“Làm đĩ” là một câu chuyện nổi tiếng, nó được biết đến không chỉ bởi nội hàm tác phẩm mà còn ở rất nhiều những câu chuyện xung quanh, như việc tác giả phản pháo lại những người ở phe đối lập, bởi sự trầy trụi trong miêu tả nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng đây là một tác phẩm đáng giá, đáng đọc và đáng suy ngẫm bởi “Làm Đĩ” vẫn còn rất nhiều giá trị cho tới tận ngày nay.
MEI MEI
Комментарии