"John đi tìm Hùng" là cuộc sách đặc biệt về một người đặc biệt. Anh là người tiên phong cho xu hướng đi trải nghiệm và viết sách.
Tôi biết đến cuốn sách này vì một trích đoạn của sách là đề văn nghị luận thi đại học Khối D của tôi năm 2013. Sau gần 10 năm, tôi bỗng bắt gặp cuốn sách này trong thư viện và ngay lập tức, tôi mang về để nghiền ngẫm nó ngay.
Trần Hùng John là một thanh niên người Mỹ gốc Việt, bố và mẹ đều là người Việt Nam nhưng gia đình cậu đã sang Mỹ từ những năm 1970 do chiến tranh. Cậu luôn được nghe về Việt Nam với những hình ảnh như: nghèo nàn và chết chóc. Bà và mẹ của cậu luôn dặn là đừng trở về Việt Nam. Nhưng có lẽ dòng máu Lạc Hồng trong cậu vẫn cuồn cuộn thôi thúc cậu phải quay trở về đất nước này như lá rụng về cuội, như những chú chim non đi tránh rét cuối cùng vẫn quay về Nhà.
Hùng quay trở về Việt Nam để học đại học, sau đó làm việc như 1 BTV trong đài truyền hình, thỉnh thoảng tập tành bài báo. Bỗng nhiên 1 ngày, cậu thấy như thế là chưa đủ. Cậu quyết tâm thực hiện hành trình đi xuyên Việt không mang theo tiền trong 81 ngày đêm.
Lúc ấy, cả Việt Nam đều cười và nói cậu ấy là khùng, đúng là hành động của mấy đứa tây balo, nói một cách dân dã hơn là: "Sướng quá hoá rồ!". Một số người bạn có ngăn cản, mỗi cung đường cậu đều được khuyên là dừng lại đi vì: "Người Việt Nam không tốt đâu, sẽ không ai giúp đỡ cậu đâu", "Người Việt Nam đều hai mặt, họ giúp cậu để mong nhận lại một điều gì đó". Và đây cũng chính là một trong những lý do cậu quyết định thực hiện chuyến đi này.
Mục đích đầu tiên của chuyến đi rất đơn giản: Hùng muốn hiểu hơn về Việt Nam, trải nghiệm cuộc sống của người dân và mong mỏi, có thể giúp đỡ được nhiều người hơn. Với mục đích này, Hùng có dịp làm những điều mà nếu chỉ là một Việt Kiều, anh sẽ không bao giờ hiểu được. Cậu đã có cơ hội trải nghiệm những công việc nhà nông, hiểu thế về cuộc sống ở thôn quê, sự vận hành riêng biệt ở mỗi vùng đất. Sự giúp đỡ của Hùng không chỉ là vài ngày ở tại địa phương, không chỉ là gánh lúa, trồng khoai mà đó còn là những bài báo được anh viết trong chuyến đi, những bài báo đó trở thành hiện tượng và thay đổi nhận thức, suy nghĩ của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Sự giúp đỡ còn là những câu chuyện, những bài học Hùng nói với mỗi người Hùng gặp suốt chuyến đi. Tinh thần của Hùng đã lan toả và là động lực cho mỗi bạn trẻ gặp cậu. Cậu hy vọng rằng mình có thế góp phần tạo thành một mạng lưới cùng nhau xây dựng quê hương giàu mạnh, một Việt Nam vững bền.
Mục đích thứ hai là cậu muốn chứng minh với thế giới rằng: "Tôi là người Việt Nam". Cậu cảm thấy khó chịu khi bị nhầm là người nước ngoài, khi bị gọi là người Việt Kiều. Có một điều kỳ lạ là hình như cậu càng đi thì những nét Việt Nam lại càng trổ ra. Ở đầu hành trình cậu bị nhầm là người Mỹ -> người Hàn -> Việt Kiều -> rồi cuối cùng là người Việt Nam: "Tây mới trèo qua đỉnh được, mày là người Việt Nam, chân ngắn làm sao là leo được". Điều này khiến anh chàng to con sướng rơn lên. Tuy mục tiêu là thế nhưng đến cuối chặng đường cậu vỡ lẽ. Tại sao lại phải chứng minh, tìm xem mình là ai, tại sao John phải đi tìm Hùng. Cậu không phải tìm nữa, vì dù có là ai thì dòng máu Việt Nam cũng vẫn chảy, cậu là người Việt Nam còn đây là Nhà của cậu.
Mục đích thứ ba của cuối và cũng là mục đích bí mật mà cậu chàng mang theo suốt cả hành trình: "Tôi nhận thấy mình tôi thì không thể làm được gì, tôi muốn chuyến đi của tôi trở thành một phần trong cuộc thí nghiệm xã hội lớn. Một thí nghiệm với mục đích chứng minh và nhắc nhở mọi người rằng lòng tốt của nhân loại vẫn còn tồn tại và khích lệ mọi người hãy cùng trả ơn chuyển tiếp". Như ở phần đầu bài viết này tôi có chia sẻ, trong chuyến đi, rất nhiều người đã khuyên Hùng dừng lại vì những tính cách không tốt của người Việt Nam sẽ làm hại cậu. Nhưng cậu vẫn tiếp tục bước đi, vì cậu tin rằng bản chất của con người là lòng tốt, sự trắc ẩn và cậu đã chứng minh được điều đó. Trong 81 ngày đi xuyên việc, cậu không mang tiền, gặp bao nhiêu trắc trở. Nhưng rút cục, cậu vẫn được giúp đỡ bởi rất nhiều người xa lạ mà nhờ đó cậu đã thực hiện được giấc mơ của mình. Gần như tất cả số tiền cậu được cho, cậu đều sử dụng để làm từ thiện, gửi tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên đường. Cậu quan niệm, khi ai đó giúp mình, mình sẽ giúp thêm 2,3 người khác để sự trả ơn được chuyển tiếp.
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, cậu chàng thực hiện được chuyến đi này là nhờ cậu đã nổi tiếng, mọi người đã biết đến cậu rất nhiều trên TV, trên báo chí vì vậy cậu dễ dàng lấy được lòng tin của những người cậu gặp và được giúp đỡ. Ngoài ra, sự may mắn trong chuyến đi này còn được toát ra từ thân phận của cậu: một người nước ngoài hay một Việt Kiều. Bởi tâm lý sính ngoại, luôn đề cao người hàng hoá, con người ngoại quốc của người Việt Nam. Người Việt Nam luôn cho rằng hàng nước ngoài chất lượng hơn, người nước ngoài giàu có và tốt hơn ngừoi Việt Nam. Vfi vậy, họ cũng sẵn sàng mở lòng ra với Hùng hơn.
Cuốn sách này không thu hút người đọc ở ngôn từ trau chuốt, những chi tiết miêu tả tinh tế mà ở những giá trị nó đem lạ. Đó là những vốn quý khiến mỗi ngừoi chúng ta có thể nhận thức đúng đắn hơn về ý nghãi cuộc sống, thay đổi cách nhìn nhận một cách tích cực và từ đó đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Hãy cùng đọc và thay đổi cho chính chúng ta và cho toàn xã hội.
MEI MEI
Comments