top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMEI MEI

8 lý do khiến "Chiến binh cầu vồng" trở thành quyển sách có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia


Ở một vùng đất xa xôi có 11 chiến binh cầu vồng như những ngọn cây bị vùi trong đất cằn, vươn lên để được sống.


"Chiến binh cầu vồng" là một tác phẩm đầu tay của tác giả Andrea Hirata. Quyển sách là hành trình đến trường của 11 đứa trẻ nghèo ở một trên hòn đảo Belitong và đó cũng là hành trình bảo vệ ngôi trường làng lụp xụp trước "Vua Thiếc" lớn nhất xứ Indo. Cuốn truyện không chỉ đơn thuần là cuộc đời của chính tác giả mà qua 424 trang sách, người đọc có thể rút ra được những ý nghĩa sâu sắc mà ta sẽ nhớ mãi về sau.



Theo Điều 33, Hiến pháp Nước Cộng hoà Indonesia: "Mọi công dân đều có quyền học hành"


Những gia đình khó khăn vẫn cố gắng cho con đi học thì học tập vì đó là con đường duy nhất giúp họ thoát khỏi đói nghèo. Nhưng trên con đường đó, ta phải chấp nhận muôn vàn khó khăn thử thách. Với những đứa trẻ Cầu Vồng, chúng phải vượt qua những cám dỗ của đồng tiền. Vì đi làm culi giống như ba mẹ mình, bọn trẻ sẽ dễ dàng kiếm tiền ngay tức khắc, còn đi học á? Chẳng ai nói trước được tương lai có khác không.


Hay như Lintang, cậu bé thông minh nhất lớp, mỗi buổi sáng đều phải vượt hơn 40km để tới lớp, vượt qua hàng ngàn con cá sấu đói luôn chực chờ lao vào cậu. Không ngoa khi nói rằng, Lintang phải mang cả tính mạng của mình ra đánh đổi lấy cơ hội được tiếp cận với con chữ. Chính vì vậy, cậu khao khát học hơn ai hết, không thể chần chừ việc tiếp nhận kiến thức bởi có khi: "Ngày mai em sẽ bị cá sấu ăn thịt mà không kịp biết đáp án".


Hoa lệ - Nơi phố thị giàu có luôn ở cạnh nơi tồi tàn nhất


Hồi ấy, Belitong là đảo giàu có nhất của Indonesia với Điền Trang được miêu tả như một phố thị xa hoa với trường học chất lượng, nhà cửa xây theo phong cách Victoria. Chỉ cách khu phố sầm uất đó 1 bức tường là khung cảnh chính của câu chuyện - 1 làng quê nghèo khổ, đáng thương.


Nếu Trường PN trong Điền Trang là một ngôi trường ưu tú, cơ sở vật chất thuộc hàng tối tân, xe đưa người đón thì tại trường làng Muhammadiyah là hiện thân của một ngôi trường nghèo đến mức không thể nghèo hơn. Tường lớp học được làm từ những tấm ván gỗ, cột trụ cũng là cây rừng do chính thầy hiệu trưởng vác từ trên núi về. Trường cứ xiêu vẹo và sẵn sàng đổ sập bất cứ lúc nào. Mỗi khi trời mưa, cô và trò vừa che dù vừa học. Giáo viên trong trường chỉ có 2 người, 1 là thầy hiệu trưởng, 2 là cô giáo trẻ mới tốt nghiệp cấp 2 tên Mus. 2 người thay phiên nhau dạy tất cả các môn và cũng thay phiên nhau bảo vệ ngôi trường này. Vì chẳng có lương, nên 2 người cứ vừa dạy học lại vừa nhận thêm việc để làm kiếm tiền nuôi thân, lâu lâu kiếm thêm tiền mua sách học cho mấy đứa học sinh.


Người truyền cảm hứng


Giáo dục cần hơn hết những con người sẵn sàng dốc hết tâm huyết của mình để không chỉ truyền kiến thức mà còn truyền cho học sinh những bài học làm người. những giá trị cuộc sống. Cô Mus và thầy hiệu trưởng Harfan, những con người làm giáo dục đáng kính nhất Indonesia. Cô Mus đã bật khóc nức nở vì niềm phấn khởi được giảng dạy ở tuổi 15 có thể tan biến như một ngọn gió. Người cô giáo nhỏ nhoi, đáng kính ấy đã bỏ công việc ổn định, từ chối hôn ước với một gia đình quyền quý chỉ để theo đuổi ước mơ làm cô giáo không lương.

Có lẽ nếu không được thầy Harfan truyền cảm hứng học tập những đứa trẻ cầu vồng sẽ chẳng biết niềm hạnh phúc khi được đến trường là gì. Nếu không có cô Mus đội mưa, ướt nhẹp dưới lá chuối, quyển sách này cũng không ra đời, Indonesia sẽ mất đi 1 nhà văn lỗi lạc.


Quy tắc 20- 80


Nguyên tắc Pareto được coi như một quy định ngầm (không phải luật bắt buộc thực hiện) mang ý nghĩa đại đa số mọi thứ trong cuộc sống không được phân phối đều nhau: Khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra. Giống như tại trường Muhammadiyah, 20% học sinh là Lintang và Matah làm nên giá trị 80% giá trị cho ngôi trường. Khi Matah thì mang về 1 chiếc cúp cuộc thi hoá trang, còn Lintang lập công lớn với chiếc cúp học sinh giỏi.


Những lời hứa


Xuyên suốt câu chuyện là những lời hứa của lũ trẻ. Người lớn thường nghĩ rằng trẻ con chẳng biết gì, nói rồi quên luôn nhưng chính những lời hứa đã giúp lũ trẻ lớn thành người và phấn đấu để hoàn thiện bản thân. Lời hứa đã giúp Lintang viết được tên mình và bố chỉ sau 3 buổi học, lời hứa học giỏi giúp cậu chàng đoạt được chiếc cúp danh giá. Lời hứa cũng là thứ giúp tác giả quyết tâm xuất bản sách. Đây có được gọi là sức nặng của lời nói không?


Số phận

Tôi thường rất ghét những người vin vào số phận để biện minh cho cuộc đời không theo ý mình. Nhưng trong "Chiến binh cầu vồng", ta có thể thấy sự trớ trêu của số phận đặt lên cuộc sống của những chiến binh bé nhỏ.


Ngày đầu tiên vào lớp 1, mọi người suýt chút nữa nhìn ngôi trường bị dỡ đi nhưng may mắn Harun xuất hiện, cậu bé ngốc mãi mãi không lớn yêu thích số 3 mang may mắn và hy vọng cho ngôi trường. Cậu bé là thiên thần hộ mệnh. Đó là số mệnh.


Hẳn nhiều bạn đọc cũng sẽ giống tôi. Shock! Khóc sụt sùi khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ còn lại tan tác mỗi đứa một nơi, không phải các em đã hết đi động lực học hành mà chính cái nghèo đã khiến các em bất đắc dĩ phải đi lo câu chuyện của người lớn - chuyện kiếm tiền.

Chúng ta cũng đau đớn trước cảnh Lintang giỏi giang, xuất chúng phải nghỉ học vì cha cậu mất, cậu từ bỏ việc học qua 1 bức thư ngắn để về lo cho mười mấy miệng phụ thuộc. Cậu có lòng tin, cậu đã vượt qua bao khó khăn để đi học, cậu đã bán đi chiếc nhẫn cưới của mẹ để mua xích và lốp xe, cậu chàng tin tưởng rằng mình sẽ học đến khi cây trụ chống trường sụp xuống mà nay phải nghỉ học. Cái nghèo, cái khó đã trói chặt cậu, tàn nhẫn thiêu rụi ước mơ mãnh liệt, niềm mong mỏi trở thành nhà toán học của cậu bé. Đọc đến đây, tôi ước Lintang có thế nhẫn tâm một chút, ích kỷ một chút để bỏ mặc tất cả và tiếp tục việc học nhưng trách nhiệm trụ cột gia đình đã không cho cậu có quyền làm thế. Không hiểu vì sao người nghèo thường vất vả, dành nhiều thời gian để làm việc lại có đủ cả thời gian để đẻ đông con đến vậy. Đã có ai từng nghĩ rằng, thêm 1 đứa trẻ ra đời khi gia đình khó khăn chính là hành động độc ác, cướp đi tương lai tốt đẹp của một đứa nhỏ khác chưa? Giấc mơ của Lintang đã bị cướp đi như thế. Chắc có ai giúp đỡ, chẳng có đoàn từ thiện nào ngó đến đứa trẻ tội nghiệp đó cả.


Cuộc sống luôn không công bằng nhưng có lẽ đó là nguyên lý vận hành của xã hội này rồi. Chúng ta đôi khi phải chấp nhận với vòng quay khắc nghiệt của số phận để biết trân trọng khi được trao cho cơ hội tốt đẹp.


Không bao giờ là quá trễ để bắt đầu


Có lẽ chính tác giả cũng nghĩ cuộc đời mình chấm hết và dồn sức cho cô cháu gái đi học khi làm nghề mà mình ghét nhất - nhân viên bưu điện. Anh vứt tác phẩm của mình còn cẩn thận chèn thêm 1 miếng thiếc để giấc mơ của anh chìm sâu xuống đáy sông. Thế nhưng bỗng 1 ngày ý chí của anh sống vậy. Anh tự nhủ mình không thể sống 1 cách nhàm chán như vậy, anh ôn thi điên cuồng, làm việc cật lực để vào đại học rồi ra nước ngoài du học, thoát khỏi vòng lặp nhàm chán. Anh không chỉ là viết tiếp giấc mơ của chính mình mà còn là 1 trong 2 người duy nhất viết nên giấc mơ được học của những chiến binh cầu vồng.


Kết thúc buồn


Khi cầm một cuốn sách với tựa đề tươi sáng như "Chiến binh cầu vồng", tôi đã mong sẽ được đọc 1 cái kết có hậu, tất cả mọi đứa trẻ đều được đến trường và viết nên những ước mơ thật màu nhiệm. Thế nhưng, tim tôi lại một lần nữa đau thắt lại khi những chiến binh của tôi vẫn loay hoay trong cái nghèo, ngôi trường làng thì đổ sụp. Trapani là 1 bệnh nhân 6 năm trong viện tâm thần, Samson trở về kiếp culi, Lintang tài năng làm tài xế xe tải, A Kiong làm chủ hàng tạo hoá với vợ là Sahara, Harun vẫn là cậu bé 3 tuổi trong thân xác một người lớn. Hàng tuần, cậu vẫn dành thời gian đến trại tâm thần thăm thần tượng Trapani. Chỉ có Kucai là thực hiện được ước mơ của mình - trở thành 1 chính trị gia, có ghế trong quốc hội! Thật kỳ lạ và cũng thật buồn.


Nhưng chính các kết buồn này lại càng cho ta thấy cuộc chuyện này rất thật. Bởi mấy khi những cuộc đời có những cái kết như ta mong đợi?


"Chiến binh cầu vồng" là một câu chuyện mà tôi cảm thấy mỗi đứa trẻ đều cần phải đọc, để chúng ta biết mình đang may mắn như thế nào khi được hưởng một nền giáo dục hiện đại, một cuộc sống ấm no. Từ đó biết trân trọng mọi điều được ban tặng. Khép lại cuốn sách nhưng nước mắt tôi vẫn không ngừng tuôn, tôi tiếc nuối cho Lintang - chàng trai thông minh và tài giỏi, cậu có thể đạt được bất cứ học bổng nào cậu muốn, trở thành bất cứ ai cậu thích thế nhưng số phận đã tước đoạt của cậu quyền mơ ước đó. Tôi buồn cho những đứa trẻ nghèo ngoài kia, các em còn chắc có cơ hội hiểu ước mơ là gì? Đến bao giờ giáo dục mới thật sự được phổ cập cho tất cả các em. Đến bao giờ nhưng đứa trẻ ấy mới được sống đúng với lứa tuổi của mình, được đi học và được hồn nhiên?


MEI MEI






27 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page